[Dự án Du lịch Ba Vì]Bài học ngàn vàng từ thất bại trị giá 100 triệu của 'doanh nhân nhà quê khởi nghiệp'
Thất bại trị giá 100 triệu từ lần khởi nghiệp đầu tiên mang tới bài học ngàn vàng cho Dương Công Tuyến, giúp anh thành công ở dự án thứ hai.
"Đến bây giờ tôi mới thấm thía bài học tiền vốn không phải là quan trọng nhất. Khi tôi có 100 triệu trong tay để khởi nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp cực kỳ hay và khả thi. Tuy nhiên bên cạnh đó ý tưởng và sản phẩm dịch vụ tốt thôi chưa đủ", anh Dương Công Tuyến, giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và Phát triển dịch vụ Du Lịch Ba Vì, thổ lộ.
Sau thất bại đầu tiên, Dương Công Tuyến thành lập công ty Du Lịch Ba Vì và gặt hái thành công.
Dự án khởi nghiệp đầu tiên của Tuyến, mang tên MBET, là mô hình tiếp thị trực tuyến và đào tạo tiếp thị trực tuyến. Số lượng người đồng sáng lập dự án là 9, còn tổng số nhân sự là 15.
Khóa đào tạo của nhóm diễn ra trong 6 tháng, nhưng học viên chỉ phải trả mức học phí một triệu đồng. Vì thế mà dự án rơi vào tình trạng "thu không đủ bù chi".
"Hồi ấy chúng tôi mở các khóa đào tạo vì đam mê chia sẻ, chứ không nghĩ nhiều tới lợi nhuận. Bây giờ có nhiều học viên còn giàu hơn cả chúng tôi", Tuyến - người tự nhận là "doanh nhân nhà quê", nói.
Về mảng cung cấp dịch vụ tiếp thị trực tuyến, MBET có khá nhiều khách hàng. Nhưng vì nhóm sáng lập không có kỹ năng đánh giá và quản trị rủi ro nên họ thường xuyên phải bồi thường hợp đồng.
"Lượng khách tương đối lớn nhưng chúng tôi chẳng có lãi cao vì phải bồi thường khá nhiều hợp đồng", Tuyến ngậm ngùi chia sẻ.
Ngoài ra, anh Tuyến cùng các cộng sự đối mặt hàng loạt vấn đề - từ xây dựng đội ngũ nhân sự, định hướng mô hình doanh nghiệp, thiết lập quy trình quản lý nhân sự, quy trình triển khai dịch vụ tới bán hàng. Vấn đề lớn nhất là quản lý tiền.
"Vốn sẽ cạn rất nhanh nếu chúng ta chưa có kế hoạch sử dụng vốn, chưa dự tính thời gian duy trì và hoàn vốn (quản trị rủi ro), chưa biết tính dòng tiền. Có vốn, tôi cứ chi tiêu mạnh cho những yếu tố bề nổi như phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô", Tuyến kể.
Dương Công Tuyến mất hơn 100 triệu đồng vì thất bại trong lần khởi nghiệp đầu tiên.
Nỗ lực mở rộng quy mô dự án trong khi khâu quản lý nhân sự kém, chưa biết tính toán dòng tiền nên ban đầu lợi nhuận thấp, sau đó tình trạng lỗ xảy ra mà Tuyến không hề biết. Sau 8 tháng, dự án phải ngừng hoạt động. Tuyến gánh khoản nợ hơn 100 triệu đồng.
"Nhóm đồng sáng lập gồm 9 người nhưng không bất đồng ý kiến. Họ là bạn và học viên của tôi nên nghe và đồng hành theo tôi. Sai lầm của tôi là nguyên nhân khiến dự án thất bại", Tuyến tâm sự.
Năm 2016, Tuyến cùng một người bạn thành lập công ty CPTM & PTDV Du Lịch Ba Vì và anh giữ vị trí giám đốc điều hành.
"Sau lần thất bại đầu tiên, tôi làm lại từ đầu với thế mạnh là kỹ năng tiếp thị trực tuyến, chia sẻ kiến thức và quản lý nhân sự. Tôi và người đồng sáng lập công ty Du Lịch Ba Vì thực sự là những mảnh ghép còn thiếu của nhau. Nhiệm vụ của tôi là phụ trách điều hành quản lý nhân sự và tiếp thị trực tuyến", anh kể.
Tổ chức team building cho các doanh nghiệp là một trong những hoạt động của Công ty Du Lịch Ba Vì. Ảnh: Dương Công Tuyến
Du Lịch Ba Vì (dulichbavi.com.vn) chuyên dịch vụ du lịch về Ba Vì, những giải pháp du lịch trải nghiệm vì cộng đồng cho học sinh các cấp, du lịch kết hợp team building cho các doanh nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng cho các tập thể.
Với lần khởi nghiệp thứ hai, công việc kinh doanh thuận lợi hơn. Với doanh thu hàng tỷ đồng, lợi nhuân đủ lớn để Tuyến trả khoản nợ 100 triệu cho bài học khởi nghiệp lần đầu.
"Ngẫm lại, tôi thấy thất bại trị giá 100 triệu đồng của dự án đầu tiên là bàn đạp để tôi có thành công với dự án thứ hai. Thât bại là mẹ thành công. Chúng ta cứ ngã rồi đứng lên và đi tiếp. Khởi nghiệp giống như đứa trẻ tập đi. Nó phải ngã vài lần trước khi biết chạy nhanh", Tuyến bình luận.
Nhạc Dương
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
https://vietnambiz.vn/bai-hoc-ngan-vang-tu-that-bai-tri-gia-100-trieu-cua-doanh-nhan-nha-que-khoi-nghiep-49133.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét