1. Đừng khởi nghiệp chỉ bằng đam mê
Hầu hết những người khởi nghiệp đều ôm trong mình hoài bão khởi nghiệp bằng đam mê. Với quan niệm đó, họ mang những gì mình yêu thích và có sở trường nhất để khởi nghiệp trong khi không quan tâm đến nhu cầu thị trường. Đó là lý do đầu tiên khiến startup dễ dàng thất bại. Điều này cũng tương tự như việc người khởi nghiệp đi bán những thứ mình có và mình thích chứ không bán những thứ người khác cần và hứng thú.
Lời khuyên của ông Trần Đức Huy - Tổng giám đốc của Công ty Công nghiệp Vĩnh Tường là hãy khởi nghiệp bằng nguyên tắc giá trị, luôn tự hỏi rằng sản phẩm/dịch vụ của mình mang đến giá trị gì đáng để người khác bỏ tiền mua. “Bạn có thể nói với khách hàng về ước mơ đẹp đẽ của mình nhưng cuối cùng khách hàng cũng sẽ hỏi giá trị mà anh mang lại cho tôi là gì khi tôi mua sản phẩm đó”, ông Huy kết luận.
2. Nhanh và mạo hiểm còn hơn chậm mà chắc
Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thường phân vân giữa hai trường phái, làm chậm mà chắc hay làm nhanh mà mạo hiểm. Mặc dù mỗi trường phái sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau khi áp dụng vào từng ngành nghề cụ thể, nhưng không ít các CEO đang lãnh đạo doanh nghiệp Việt thành công cho rằng, đây là thời điểm của khởi nghiệp "tốc độ".
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Thế giới di động là người ủng hộ trường phái tốc độ, làm nhanh với tâm thế sẵn sàng đối diện với sai lầm để sớm rút ra kinh nghiệm. Ý kiến này cũng được ông Huy đồng tình. “Chúng ta đang trong một thế giới không còn là cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh nuốt cá chậm. Thành công của Nokia trong quá khứ không đảm bảo cho tương lai của họ. Và các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng vậy, họ ban đầu nhỏ bé nhưng nhanh nhạy thì họ sẽ trở thành những gã khổng lồ rất nhanh”.
3. Phải thấy mình không ổn
Một startup thất bại thấy mình "có vấn đề" là chuyện hiển nhiên. Nhưng một startup thành công mà không còn thấy mình có vấn đề gì để hoàn thiện nữa thì sẽ sớm thất bại. Việc "thấy mình không ổn" là điều cả doanh nghiệp lâu năm cũng phải nhận ra, nhất là trong bối cảnh thói quen, nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng chuyển hướng ngày một nhanh hơn. Do đó, các doanh nghiệp phải đoán trước và chuẩn bị cho những cái chưa xảy ra để không trở thành "người của quá khứ".
“Trong mỗi năm, khi nhìn lại, chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi là sẽ làm điều gì khác đi trong năm sau. Nếu các bạn thấy có nhiều cái khác để làm thì đó là chúng ta đang thay đổi, dịch chuyển về tương lai. Còn nếu các bạn chỉ thấy mọi thứ đã ổn rồi, cứ việc như thế mà làm thì đó chính là sự rủi ro. Và làm sao để đón đầu được những xu hướng mới thì đó chính là công việc của CEO. Họ phải nghe nhiều hơn, nhìn nhiều hơn, đi nhiều hơn và học hỏi nhiều hơn để phát hiện ra những xu hướng”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ kinh nghiệm.
4. Nghĩ quốc tế, làm quốc gia
Một công thức để thành công khác đang được nhiều CEO trong nước ủng hộ đó là “nghĩ quốc tế, làm quốc gia”. Nhiều người khởi nghiệp thường băn khoăn rằng nên phát triển một sản phẩm/dịch vụ có thể tiếp cận thị trường toàn cầu ngay hay đi vào một thị trường phục vụ cho cộng đồng địa phương.
Theo một số CEO như ông Đinh Viết Hùng - Tổng giám đốc JoomlArt DesignBold; ông Lê Đắc Lâm - Tổng giám đốc VNTRIP; ông Hứa Cao Trí - Tổng giám đốc Công ty thực phẩm gia đình ANCO thì các startup nên có tầm nhìn thị trường thế giới ngay từ đầu. Tuy nhiên, khi bắt tay khởi sự thì hãy tập trung cho thị trường nội địa trước, phải chiến thắng được thị trường nội địa để có bàn đạp vững chắc tiến ra quốc tế.
Ông Hứa Cao Trí cho rằng, thị trường Việt Nam đã vốn là một thị trường mà rất nhiều công ty nước ngoài dòm ngó vì tiềm năng vô cùng lớn. Do đó, trong khi đang có lợi thế là người am hiểu thị trường bản địa thì các startup cần chiếm được thị trường này trước khi doanh nghiệp nước ngoài có thể thâu tóm. Ngoài ra, công thức “nghĩ quốc tế, làm quốc gia” cũng có một mặt nghĩa khác. Đó là khi vươn ra được tầm thế giới thì các doanh nghiệp vẫn phải để ý đến nhu cầu "bản địa hóa" sản phẩm và dịch vụ của mình ở từng quốc gia để phù hợp với thị trường đó. McDonald là một ví dụ. Tại mỗi quốc gia, thương hiệu thức ăn nhanh này lại có một sản phẩm chủ lực riêng, phù hợp với nền ẩm thực của quốc gia đó.
5. Tiền không phải là mấu chốt
Nhiều startup Việt hiện vẫn đặt nặng vấn đề gọi vốn ngay từ lúc chỉ mới có ý tưởng. Trong khi đó, không ít startup của các thế hệ trước lại thành công bằng cách đi những bước nhỏ với vốn tự thân, ít hỏi và hạn hẹp. Thế Giới Di Động khởi đầu chỉ bằng số vốn 2 tỷ đồng, góp lại của 5 nhà sáng lập, đủ để mở siêu thị điện thoại đầu tiên. ANCO thành lập với số vốn 40 tỷ đồng, thực sự không nhiều để thiết lập một dây chuyền trong ngành thực phẩm. Cả ông Nguyễn Đức Tài và ông Hứa Cao Trí đều cho rằng, vốn không phải là yếu tố quyết định ban đầu để startup thành công. Ông Tài quan niệm, nếu dự án thật sự hiệu quả thì các nhà đầu tư sẽ tự tìm đến chứ không cần phải chạy vạy đi gọi vốn.
Ngoài ra, trong bối cảnh eo hẹp tài chính buổi đầu, các startup cũng thường lo ngại mình không đủ khả năng chi trả để tuyển được nhân sự giỏi. “Đối với startup, khi tuyển người, đừng dùng tư duy trả công phù hợp với năng lực. Rất nhiều nơi có thể đề xuất một chỗ làm tốt cho người lao động giỏi. Nhưng lại ít nơi đề xuất một tương lai tốt cho họ. Bạn phải dùng tương lai để thu hút nhân tài. Tương lai chính là công ty sẽ có triển vọng phát triển thế nào để mang lại lợi ích dài hạn cho họ”, ông Tài chia sẻ.
6. Phải đặt hạnh phúc trước khi thành công
Các ông bố bà mẹ Việt Nam xưa nay thường nhắn nhủ con cái rằng hãy làm việc chăm chỉ để đạt được thành công và khi đó thì hạnh phúc sẽ đến. Tuy nhiên, sự thật là không phải cứ thành công thì chắc chắn có hạnh phúc. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học đã kết luận, nếu hạnh phúc trước thì xác suất thành công sẽ cao hơn. Nguyên nhân bởi khi con người làm việc trong trạng thái hạnh phúc thì sẽ đạt hiệu quả tốt hơn do họ ít stress hơn và sáng tạo hơn. Vì vậy, nhiều CEO khuyên giới trẻ thay đổi công thức tư duy khi khởi nghiệp, chuyển từ “chăm chỉ - thành công - hạnh phúc” sang “chăm chỉ - hạnh phúc - thành công.”
Hạnh phúc ở đây, theo nhiều ý kiến là khả năng cân bằng giữa công việc và các yếu tố còn lại của con người như: các mối quan hệ, sức khỏe, tri thức…
“Tôi thường dậy lúc 5 giờ sáng và sau đó tập thể dục, đọc tin tức, học một chút gì đó để tạo niềm vui và hạnh phúc đầu ngày cho mình. Bằng cách đó, dù trong ngày có chuyện gì không vui xảy ra thì tôi cũng đã chắc chắn có tâm thế tốt để đón nhận và ít ra tôi vẫn có những niềm hạnh phúc nhất định trong ngày”, ông Trần Đức Huy chia sẻ về thói quen duy trì hạnh phúc của mình.
Leo Tran - thành viên khởi nghiệp Việt Nam
Nhận xét
Đăng nhận xét